Nhắc đến trang phục Hàn Quốc là không ai không biết đến Hanbok, Hanbok tượng trưng cho tinh hoa nét đẹp văn hóa của xứ sở kim chi. Nếu có cơ hội đến Hàn Quốc, hãy thử một lần diện Hanbok và chụp ảnh cùng hoa anh đào nở rộ, chắc hẳn bạn sẽ càng thêm thích thú với nét đẹp của đất nước này.
Hanbok có ý nghĩa gì?
Nội dung chính:
Hanbok (한복) bao gồm “Han” có nghĩa là “Hàn” và “bok” nghĩa là “trang phục”, do đó Hanbok được coi là trang phục truyền thống của Hàn Quốc, đây cũng là di sản văn hóa quốc gia được lưu truyền qua nhiều thế hệ khác nhau.
Hanbok là trang phục truyền thống của cả Triều Tiên và Hàn Quốc, cảm giác ban đầu là bộ trang phục này có vẻ sặc sỡ, cồng kềnh, không có túi và có các đường kẻ đơn giản. Đã có từ rất lâu đời, từ thời đại Joseon từng được mặc rất phổ biến thế nhưng hiện nay Hanbok chỉ được mặc chủ yếu trong các dịp lễ Tết, các sự kiện trọng đại.
Đặc điểm chung của Hanbok
Trải qua nhiều năm lịch sử với nhiều sự thay đổi về kiểu dáng và chất liệu, thế nhưng Hanbok vẫn giữ được giá trị văn hóa lâu đời vốn có.
Chất liệu của Hanbok
Với người Hàn Quốc xưa thì Hanbok còn thể hiện sự phân biệt giai cấp xã hội với những quy tắc về hoa văn, màu sắc với ý nghĩa riêng biệt của nó. Hanbok của giới thượng lưu thường được dệt từ cây gai hay một loại vải nhẹ để người mặc dễ chịu và thoải mái hơn; nhưng với người dân thường thì chỉ được mặc Hanbok làm từ vải bông đơn thuần.
Ngày nay, chất liệu phổ biến nhất để làm Hanbok là bông, vải gai, satin và lụa. Mùa hè thì thường sử dụng những chất liệu nhẹ và mỏng hơn để giảm bớt phần nào sức nóng của nhiều lớp áo Hanbok. Vào mùa thu, phụ nữ Hàn Quốc ưa chuộng Hanbok được may bằng tơ lụa vì khi đi lại sẽ tạo ra âm thanh xào xạc như những chiếc lá khô mùa thu rơi. Mùa đông ở Hàn rất lạnh nên họ thường mặc thêm một chiếc áo khoác dày hoặc may thêm một lớp vải bông ở trong để giữ ấm cơ thể.
Kết cấu và kiểu dáng
Trái ngược với những bộ Hanbok trong hoàng tộc hoặc Hanbok cầu kỳ thường được mặc trong lễ hội thì Hanbok thường ngày khá đơn giản. Chima và Jeogori được thay đổi độ dài, nơ của Otgoreum cũng có thể ngắn lại cho gọn gàng hơn hay Chima được làm xòe ít hơn nhưng vẫn rộng rãi để dễ dàng hoạt động.
- Hanbok nữ có 2 phần chính là Chima và Jeogori. Chima là váy thắt eo còn Jeogori là áo khoác ngắn, có thể ngắn chỉ vừa đủ tới ngực hoặc dài đến eo. Jeogori đi kèm với nơ Otgoreum được tạo từ hai dải vải buộc vào nhau. Ngoài ra không thể thiếu tất trắng Beoson và đôi giày hình chiếc thuyền.
- Hanbok nam gồm Jeogori, quần Baji và áo Durumagi. Áo choàng Durumagi dài tới đầu gối hoặc hơn, Jeogori ngang hông, quần Bajo rộng và bó ở gấu. Đi kèm với bộ Hanbok nam là mũ, dây buộc ngang lưng và giày.
Ngoài ra, đi kèm với các trang phục thường có rất nhiều phụ kiện như hoa cài, trâm, dây buộc tóc, mũ,…đa dạng nhiều kiểu dáng và màu sắc khác nhau. Hanbok không có túi nên người mặc thường mang thêm túi nhỏ có thêu họa tiết được làm bằng lụa được gọi là Joomeoni.
Màu sắc và họa tiết của Hanbok
Các họa tiết ở trên Hanbok thường là những hình ảnh về thiên nhiên hoặc những hình ảnh sang trọng như rồng, phượng có thể in chìm trên nền vải lụa, satin, gấm,…hay thêu tay rất cầu kỳ và tinh tế. Một trong những họa tiết khá phổ biến trên Hanbok đó là hình tròn âm dương hoặc hình tròn được chia làm 3 phần với 3 màu đỏ, vàng và xanh lam.
Giới thượng lưu xưa ở Hàn Quốc thường mặc quần áo có màu sắc rực rỡ, màu sáng cho trẻ em và các bé gái còn màu dịu hơn cho những người trung niên. Quy định ngày xưa người dân chỉ được phép mặc quần áo có màu trắng, trong những dịp đặc biệt được phép mặc các trang phục có màu hồng nhạt, xám, xanh lá cây nhạt và màu than. Hanbok cho trẻ em và giới trẻ có chung một đặc điểm là đa dạng màu sắc, thường là màu sáng và có hoa văn phong phú. Còn Hanbok dành cho người lớn tuổi thường sử dụng vải trơn, gam màu tối ít nổi bật để tạo sự trang trọng.
Vốn nổi tiếng về sự đa màu sắc, Hanbok không phụ thuộc vào dịp nào cả, chỉ trừ tang lễ thì họ sẽ mặc Hanbok bằng vải gai trắng hoặc vải màu đen, nếu người thân của người mất thì nữ thường cài một chiếc nơ nhỏ màu trắng trên tóc. Hanbok cho lễ cưới thường có họa tiết rồng phượng, những họa tiết xưa được thêu một cách tỉ mỉ trên các bộ Hanbok của hoàng tộc hay Hanbok tham gia vào những sự kiện lớn.
Hanbok cách tân hiện đại có gì mới lạ?
Ngoài Hanbok truyền thống ra thì hiện nay Hanbok cách tân cũng vô cùng phổ biến với 2 loại Gaeryang Hanbok và Saenghwal Hanbok.Hai loại Hanbok này không có nhiều thay đổi so với Hanbok truyền thống về chất liệu và hoa văn nhưng lại có thay đổi nhiều ở phần kết cấu, chủ yếu là chiều dài của Chima và Jeogeori.
Với Hanbok truyền thống có chiều dài Jeogeori dài đến eo, cạp trên của Chima cũng cao đến đó thì với Hanbok cách tân Jeogori được rút ngắn lại, vừa đủ che hết ngực, còn cạp của Chima được nâng cao hơn, mặc đến quá ngực và giảm bớt độ dài, giảm sự vướng víu của người mặc cũng như tạo cho người mặc nét thanh thoát hơn.
Mục đích sử dụng của 2 loại Hanbok này lại không giống nhau, Saenghwal Hanbok được thiết kế để phù hợp hơn trong sinh hoạt hàng ngày, mặc dù vậy người Hàn Quốc mặc trang phục hiện đại đi làm và Hanbok chỉ được mặc vào các dịp hiếu hỉ, lễ tết, nhưng vẫn có một số người mặc Saenghwal Hanbok hàng ngày để làm việc.
Gaeryang Hanbok có những cải tiến hết sức táo bạo hơn so với Saenghwal Hanbok. Tay áo của Jeogori được cắt ngắn, làm thay tay bồng hoặc bỏ hẳn với phần cổ áo, để lộ vai của người mặc. Chima có thể xẻ tà cao hoặc rút ngắn đi, độ dài có thể giảm bớt đi một nửa như chiếc váy cỡ trung.
Mặc dù thế, Gaeryang Hanbok vẫn giữ được nét đặc trưng là nơ Otogerum, có nhiều trường hợp không có nơ mà Chima chỉ được mặc với một chiếc áo ngắn may liền cùng váy. Gaeryang Hanbok thường được mặc trong những sự kiện lớn hoặc trong các cuộc thi sắc đẹp hay trên các sàn diễn thời trang Hàn Quốc. Hanbok được mặc trong các dịp truyền thống của Hàn Quốc như lễ hội, hiếu hỉ và đặc biệt là 2 kỳ nghỉ lớn nhất: Trung Thu và Tết Âm Lịch. hanbok của hoàng cung
Mặc áo Hanbok như thế nào mới đúng?
Đối với nữ sẽ mặc Hanbok lót màu trắng trước, dùng dây buộc để cố định váy, hiện nay một số áo có sẵn chun bao quanh sẽ tiện lợi hơn rất nhiều, phần chun cao che đến quá ngực nên có thể mặc thêm Jeogori lót hoặc không. Lớp Hanbok chính bên ngoài cũng được mặc tương tự như vậy, quan trọng là phần thắt nơ Goreum sao cho đẹp mắt. Goreum được thắt về phía tay phải của người mặc, độ rủ vừa phải sao cho giữ được nét thanh lịch, nữ tính của phái nữ. Vải của áo không được để nhăn, Chima phải giữ được nếp cũng như độ phồng ban đầu.
Đối với nam cũng sẽ mặc Baji lót màu trắng trước, tiếp đến là Jeogori dùng dây cùng chất liệu buộc lại. Sau đó mặc Baji bên ngoài rồi đến áo khoác. Nếu là Durumagi thì bạn chỉ cần khoác vào và buộc lại bằng Dalleyong (Dalleyong có thể là thắt lưng vải bản to dùng để cố định áo hoặc một sợi dây mảnh đeo thêm ngọc bội hoặc móc treo thắt nút bằng vải dùng để trang trí).
Hanbok có ý nghĩa gì?
Thời xa xưa, khi nhìn vào cách may vá, thêu thùa cùng chất liệu và màu sắc của trang phục Hanbok Hàn Quốc cũng có thể đoán được xuất thân của người mặc. Chất liệu thường được sử dụng là gấm, vải lụa, satin, vải thô. Tùy vào thời tiết khác nhau mà họ sẽ dùng những chất liệu khác nhau.
Cũng giống như cách người Hàn Quốc cho rằng con người được tạo nên từ nước – lửa, trời – đất, cây – gió thì Hanbok được tạo nên bởi sự kết hợp tuyệt vời của tự nhiên, chất liệu để nhuộm vải từ lá, vỏ cây, quả.
Hanbok sử dụng nhiều màu sắc gắn liền với triết lý âm dương ngũ hành theo quan niệm phương Đông. Gam màu được ưa chuộng là vàng, xanh da trời, trắng, đen, đỏ tương ứng với 5 yếu tố ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.
Trang phục Hàn Quốc thường được ưa chuộng có màu trắng hơn bởi nó thể hiện sự thuần khiết, chính trực và sự đơn giản của người Hàn. Các họa tiết trên áo thể hiện hy vọng, mong muốn của người mặc, ví dụ: mong muốn về sự trường thọ sẽ thể hiện qua hình tượng mặt trời, mặt trăng, cây tre, con rùa,…
Kết luận
Hanbok không chỉ là trang phục truyền thống, nó còn là nét đẹp văn hóa của một quốc gia. Với những chia sẻ trên, Du học MT hy vọng rằng các bạn sẽ có một hành trình mới, trải nghiệm mới và hiểu thêm về những nét phong tục tập quán tại xứ sở kim chi nhé.