Du học nghề Đức có thực sự màu hồng như mọi người nghĩ ???
Là một trong sáu quốc gia thiết lập nên liên minh châu Âu ngày nay, nước Đức được xem là trụ cột kinh tế của liên minh châu Âu. Tuy nhiên, CHLB Đức đang thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng lao động do thực trạng già hóa dân số và đó là lý do vì sao nền kinh tế đầu tàu của châu Âu luôn đẩy mạnh những chương trình Du học Nghề nhằm thu hút nguồn nhân lực quốc tế nói chung và Việt Nam nói riêng.
Với hàng tá thông tin hấp dẫn từ các công ty du học, hầu hết các bạn trẻ chọn du học nghề Đức đều nghĩ đây là một con đường tươi sáng để phát triển sự nghiệp của bản thân. Tuy nhiên, vấn đề nào cũng luôn tồn tại hai mặt, du học nghề tại Đức cũng không ngoại lệ.
Vậy du học nghề Đức có thực sự là cơ hội dễ dàng cho giới trẻ Việt Nam?
Rào cản ngôn ngữ
Học một ngôn ngữ mới luôn là vấn đề khó khăn với nhiều người. Tiếng Đức được biết là một trong những loại ngôn ngữ tương đối khó học và ít phổ biến ở Việt Nam. Để giao tiếp cơ bản được với người Đức và hòa nhập với cuộc sống ở quốc gia này, cũng như điều kiện vào học nghề thì bạn cần có đủ kiến thức và kĩ năng tiếng Đức ít nhất ở trình độ B1. Bên cạnh đó thì cách phát âm của người Đức mỗi vùng miền cũng khác nhau, vì thế để cân bằng được cuộc sống và thích ứng ngôn ngữ là một điều không hề dễ dàng. Nếu có định hướng đi du học nghề tại Đức thì bạn buộc phải cố gắng, nỗ lực trong việc học tiếng Đức một cách nghiêm túc, kỷ luật hoặc bạn nên tìm một trung tâm dạy tiếng Đức uy tín, chương trình đào tạo bài bản để giúp bạn tiếp cận và đạt hiệu quả cao khi học tiếng.
Câu chuyện vừa đi học vừa đi làm thêm chưa bao giờ là đơn giản
Mặc dù các chương trình du học nghề Đức đều được trợ cấp lương hàng tháng cho học viên thừa trang trải sinh hoạt phí và tiết kiệm được một số tiền. Tuy nhiên, hầu hết các bạn học viên khi sang Đức sẽ cố gắng tìm cho mình một công việc làm thêm để tăng thu nhập cũng như muốn hòa nhập nhanh với cuộc sống bên Đức. Việc chọn nơi làm như thế nào cho phù hợp hay mong muốn mức lương bao nhiêu trên 1 giờ làm việc cũng là khó khăn ban đầu cho các bạn du học sinh nghề. Bởi vậy, lời khuyên thuyết phục nhất cho các bạn du học sinh là sau khi sang Đức nên ổn định việc học tập và cuộc sống tối thiểu 6 tháng mới nên tìm kiếm một công việc làm thêm hoặc xin tăng ca ngay chính nơi thực hành nghề để tăng thu nhập. Ngoài ra việc đi làm thêm ngoài chương trình học nghề (VD làm phục vụ cho các nhà hàng người Việt) cũng chỉ giúp bạn có thêm thu nhập 8-10 Euro/giờ chứ không phải 15-16 Euro/giờ như các thông tin bánh vẽ bạn đọc trên mạng.
Sự khác biệt về văn hóa giữa châu Âu và châu Á
Vì là một quốc gia phương Tây cho nên lối sống văn hóa người Đức cũng khác hoàn toàn so với Việt Nam, từ văn hóa ăn uống tới các tác phong làm việc. Chính vì vậy nên nhiều bạn sinh viên Việt Nam thời gian đầu sau khi sang Đức sẽ bị sốc văn hóa, đặc biệt, vì sự chênh lệch múi giờ, bạn chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong việc điều chỉnh giờ giấc sinh hoạt. Tuy nhiên, bạn cũng đừng nên lo lắng quá nhiều bởi người Đức khá cởi mở và nhiệt tình. Ngoài việc trang bị cho mình khả năng ngôn ngữ thì bạn nên chủ động bắt chuyện với người dân ở đây, đồng thời hãy chuẩn bị cho mình một tâm lý sẵn sàng để trải nghiệm văn hóa và cuộc sống trên quốc gia đáng sống nhất châu Âu này.
Khó khăn trong quá trình học tập tại Đức
Chương trình học của Việt Nam khác hoàn toàn so với Đức. Nếu như ở Việt Nam, hầu hết các chương trình đào tạo sẽ nặng về kiến thức lý thuyết thì ở Đức, thực hành là chủ yếu. Bởi vậy chương trình học đòi hỏi bạn phải là người biết cách quản lý thời gian, biết áp dụng lý thuyết vào những bài học thực hành…Theo đó, sinh viên Việt Nam nên chủ động tự tin trong giao tiếp tránh việc lo lắng thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn rất nhiều
Hơn thế, việc xa nhà du học luôn là vấn đề không dễ dàng gì với mỗi người. Với cuộc sống ở một đất nước có nhiều khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ như thế, buộc sinh viên phải là những người có ý chí và quyết tâm cao độ.
Mặc dù vậy, du học nghề Đức hiện đang là hướng đi nghề nghiệp của các bạn trẻ Việt Nam. Việc đi du học ở bất kỳ quốc gia nào cũng có những khó khăn nhất định. Lựa chọn là ở bạn và để chuẩn bị cho mình hành trang kiến thức khi bắt đầu cuộc hành trình học nghề ở Đức.
Chúc mọi người dù có đi đâu làm gì cũng cố gắng và kiên trì với mục tiêu của mình đã chọn